Lượt xem: 692

Xuân về trên vùng quê nông thôn mới

Xuân Quý Mão 2023 đang về trên khắp mọi nẻo đường từ thành thị đến làng quê. Trong mùa xuân mới, quê hương Sóc Trăng thêm rộn ràng với những thành tựu đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Không khí đón xuân thêm phần vui tươi khi các chính sách an sinh xã hội dành cho hộ nghèo đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, mùa xuân mới đang len lỏi đến từng nhà, từng nẻo đường nông thôn, khi sau rất nhiều nỗ lực, Sóc Trăng đã có thêm nhiều xã về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

 


Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Ảnh Thiện Nhận

 

    Thực hiện Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, bình xét tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú tăng lên gần 5% so với chuẩn nghèo tính đến cuối năm 2015. Điều này tạo áp lực không nhỏ đối với địa phương có trên 50% là đồng bào dân tộc như Thuận Hưng. Nhiều cách làm thiết thực có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của người dân đã được chính quyền địa phương thực hiện một cách khẩn trương như: Đầu tư vốn vay cho các mô hình kinh tế hiệu quả; tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho những hộ không đất đai sản xuất, chuyển dịch cơ cấu từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp để tạo bước thoát nghèo bền vững. Sự quan tâm đặc biệt này đã có tác động tích cực đến quá trình lao động sản xuất, ý thức lao động của các hộ thuộc diện nghèo cũng thay đổi rõ rệt. Nhờ những biện pháp tác động phù hợp, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Thuận Hưng giảm chỉ còn 3,87 %, hoàn thành tiêu chí số 11 về giảm nghèo theo chuẩn đa chiều mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đề ra. Niềm vui đón Tết đối với nhiều gia đình nay thêm phần trọn vẹn, đủ đầy. Ông Lâm Kim Hải, ấp Tà Ân A2, xã Thuận Hưng vui mừng tâm sự: “Trước kia gia đình tôi khó khăn lắm, nhà lá cũng xiêu vẹo. Nhờ được nhà nước hỗ trợ vốn nên mua bò về nuôi. Từ 1 con giờ phát triển lên 9 con rồi. Tích góp dư giả nên cũng xây cất được căn nhà. Thấy năm nay ăn Tết thoải mái, đầm ấm, lo được nhiều cho vợ con. Mình cũng cố gắng lao động để phát triển lên thêm”.

    Công tác đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo từng bước có nề nếp, không đầu tư theo hướng bình quân mà tìm mô hình và biện pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, bồi đắp thêm niềm tin của bà con vùng đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nhờ vậy, công tác vận động xã hội hóa để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện tiêu chí về hạ tầng giao thông nông thôn càng nhận được sự ủng hộ cao từ cộng đồng. Tết năm nay, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con tại các ấp trên địa bàn xã Thuận Hưng đã thuận tiện hơn rất nhiều khi 95,71% đường liên ấp đã được cứng hóa, 100% đường về xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Sự đổi thay từ vùng quê có đông bà con Khmer sinh sống giúp ngày Tết cổ truyền thêm phần vui tươi và thắm tình đoàn kết khi xã nhà đã về đích nông thôn mới.

    Riêng tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, để lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao cán đích, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhân dân. Từ đó thu hút được sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng. Bên cạnh đó, các xã đã phát động triển khai nhiều hoạt động như: Vận động người dân tích cực tham gia các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, lắp đặt cột cờ, đèn chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, đã làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.

    Xác định, kết cấu hạ tầng nông thôn là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, trong giai đoạn 2019 - 2022, được trên quan tâm đầu tư với nguồn vuốn hơn 30 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, cầu nông thôn, xây dựng trường học và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác…Đến nay, các hạng mục công trình đã phát huy được hiệu quả sử dụng, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

    Để giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Đại Ân 2 đã đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Xã đã xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa tập trung gắn với tiêu thụ theo chuỗi liên kết, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Từ đó, góp phần giảm chi phí, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế. Nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương, đến nay xã Đại Ân 2 đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ông Đỗ Hồng Ngự, người dân xã Đại Ân 2 cho biết thêm: “Ở đây địa phương vận động mở đường, xây cầu là bà con ủng hộ hết mình. Nhờ vậy thấy quê hương phát triển lên từng năm. Thấy vui mừng phấn khởi lắm khi xã sắp được lên nông thôn mới nâng cao”.

    Bức tranh ngày Tết ở nhiều vùng quê còn có phần khởi sắc hơn từ những tuyến đường được hình thành sau thời gian phát động Hội thi tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu. Sau thành công của năm đầu tiên, năm thứ 2 phát động, Hội thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực hơn từ người dân ở nhiều huyện, thị xã. Toàn tỉnh hiện có 559 tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu với tổng chiều dài 546 km. Hội thi đã huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là phát huy tính phối hợp, sự chủ động, sáng tạo của người dân, Ban nhân dân các ấp và các đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn. Các tuyến đường kiểu mẫu với đa dạng các loài hoa mang nhiều màu sắc khác nhau như điểm tô thêm “sắc xuân” cho nhiều vùng nông thôn vào ngày Tết đến Xuân về.

    Từ sự đồng thuận giữa ý Đảng – lòng dân, Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đạt được kết quả đáng phấn khởi. Đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 03 đơn vị huyện/thị xã đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thành quả có được hôm nay là nhờ vào sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, khi đã xác định hướng đi đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn, là: Xây dựng nông mới bền vững từ cơ sở, lấy cơ sở làm trung tâm, phát huy vai trò chủ thể của người dân là chủ yếu.


Nâng cấp, mở rộng, xây dựng cầu giao thông nông thôn phục vụ cho nhu cầu xã hội. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Năm 2023 là năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, là năm cần phải tăng tốc trong tiến trình thực hiện nhiệm vụ 5 năm của tỉnh. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng đã vạch định ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, HĐND tỉnh là phấn đấu có thêm 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu có thêm một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, và 02 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Lê Văn Đáng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thông tin: “Năm 2023, chúng tôi tập trung triển khai có hiệu quả 6 chương trình chuyên đề phục vụ Chương trình nông thôn mới gồm Chương trình OCOP, Chương trình khoa học công nghệ, Chương trình phát triển du lịch nông thôn, Chương trình Chuyển đổi số, Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với lợi thế của từng địa phương phục vụ tích cực cho các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Sóc Trăng chung sức xây dựng nông thôn mới”, trọng tâm là thực hiện bộ tiêu chí “hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới, tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu, để tạo cảnh quan môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn. Quan tâm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn trung ương, tăng cường lồng ghép kinh phí từ các chương trình, dự án đầu tư hiện có và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác để tiếp tục xây dựng nâng cấp các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung của Chương trình, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023. Tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nâng cao vai trò, vị thế của nhân dân”.

    Thành công trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Sóc Trăng đã được minh chứng rất rõ khi mỗi một mùa xuân mới, từng vùng nông thôn trong tỉnh lại khoác lên một diện mạo mới. Người dân đón Tết tươm tất, an vui hơn khi đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao. Tất cả góp phần làm cho bức tranh vùng quê nông thôn ngày Tết trở nên trọn vẹn, vui tươi hơn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 76
  • Hôm nay: 11429
  • Trong tuần: 78,749
  • Tất cả: 11,862,938